Sang Trường Đại học Cambridge ở Vương quốc Anh, tôi đã tận mắt thấy họ học và chơi như thế nào ở trường đại học lừng danh thế giới này.Trường Đại học Cambridge nhìn từ trên cao. (Ảnh: Google)
ChơiTôi ở cùng phòng với Đinh Nho Tâm, sinh viên của Trinity College, nơi nhà toán học Newton đã từng giảng dạy. Tâm say sưa kể cho tôi những giai thoại ở trường đại học có lịch sử hơn 800 năm này rồi bảo: “Phương châm của bọn em: Học hết sức, chơi hết mình. Chơi không phải theo kiểu mua cái quần bò tính ra tiền Việt khoảng 20 triệu đồng như một số cậu ấm được bố mẹ nhà giàu ở Việt Nam gửi sang London đi du lịch là chính, học là phụ. Cái sự chơi cũng khá đa dạng, cuối tuần thường đi nghe hòa nhạc, đến quán bar, đi đá bóng, chèo thuyền trên sông Cam, tụ tập bạn bè ăn uống...
Nhưng với sinh viên Việt Nam (VN), thích nhất là lên London dự Đêm nhạc của Hội SV Việt Nam ở Anh quốc tổ chức. Ngày mai Chủ nhật sẽ diễn ra đêm nhạc, mời anh đi với bọn em”.
Sáng hôm ấy, chúng tôi mua vé tàu từ Cambridge lên London và chưa đầy một tiếng sau đã có mặt ở thành phố sương mù. Lương Thế Vinh, một con “ma xó” thành thạo các ngõ ngách và những tuyến tàu điện ngầm London bảo: “Bây giờ tìm một nhà hàng Đài Loan ăn sáng, rồi đi bảo tàng, sau đó tính tiếp”.
Nhưng trước hết, mỗi người phải góp 3 bảng Anh (mỗi bảng trị giá 32 nghìn đồng tiền Việt) để mua vé tàu điện ngầm. Như vậy, đủ để di chuyển một cách “sang trọng” cả ngày trong thành phố mênh mông này.
Tôi hơi choáng khi Vinh dẫn đến nhà hàng Đài Loan nằm trong một con phố rất phồn hoa. Thì ra ở đây có những món ăn khiến những sinh viên người Việt xa nhà đỡ thấy nhớ quê như cơm trắng, cơm rang, bún, miến, có cả phở. Nhưng mỗi món cũng trên 5 bảng Anh. Vinh bảo: “Nếu lên London mua cái gì cũng “quy ra thóc” thì không dám rút tiền ra đâu”.
Sau khi tiêu hết “gần tạ thóc” vào khoản ăn sáng, theo tàu điện ngầm chúng tôi đến Bảo tàng Hàng hải của Vương quốc Anh. Bảo tàng này sinh động và phong phú đến nỗi sau 1 tiếng đồng hồ tham quan, tôi vẫn chưa thể xem hết những hiện vật quý của đế chế đại dương một thời này. Tiếp đến, chúng tôi lên Đài thiên văn Greenwich nổi tiếng, nơi kinh tuyến gốc 0 chạy qua. Ở kinh tuyến 0 tôi thấy cả tên thủ đô Hà Nội. Từ đài thiên văn, nhìn xuống cả khu rừng xanh ngắt, sóc nâu chuyền cành. Phía xa khu phức hợp kiến trúc hiện đại nhất bậc nhất London - Canary Wharf hiện lên với những tòa nhà chọc trời.
7 giờ tối, đoàn sinh viên Cambridge đến China Town gọi một món ăn “nhẹ tiền” cho bữa tối, nhưng nếu lại “quy ra thóc” thì cũng xót xa. Sau đó, chúng tôi đi bộ giữa những đại lộ tràn ngập ánh sáng của London để đến một nơi tối nay sẽ trở thành ngày hội lớn của sinh viên Việt Nam ở xứ sở sương mù. Hàng năm cứ đến hẹn lại lên, Hội Sinh viên Việt Nam tại Anh quốc lại tổ chức một đêm nhạc để gặp gỡ, giao lưu và quyên góp vào quỹ từ thiện gửi về Việt Nam.
8 giờ tối, nhà hát có sức chứa khoảng 200 người đã chật cứng. Những bài hát “cây nhà lá vườn” nhưng được trình bày bằng... tiếng Việt vang lên giữa thủ đô nước Anh khiến tôi cảm thấy mình như đang ở Hà Nội. Đêm nhạc kết thúc, đó lại là lúc khởi đầu cho những cuộc vui thâu đêm. “Cả năm, chúng em mới có một đêm này, mọi người có thể rủ nhau đi cà phê, đi quầy bar, vũ trường, dạo phố, nói chung phải vui hết mình nhưng “an toàn, tiết kiệm”, Lương Thế Vinh bảo.
Tôi được biết quỹ từ thiện của đêm nhạc “bội thu” ngoài dự kiến. Chúng tôi ra về khi tàu điện ngầm London đã ngủ, đành đi xe buýt. Tới Cambridge thì đã 2 giờ sáng.
Những sinh viên 8X gặp nhau trong đêm nhạc ở London
HọcNgay trên chuyến tàu từ Cambridge lên London, Lương Thế Vinh và Nguyễn Phước Long đã tranh thủ trao đổi bài tập. Và khi chuyến xe buýt từ London vừa dừng chân ở Cambridge, Long đã dùng điện thoại soi vào cuốn sổ để xem bài ngày mai.
5 giờ sáng, khi tôi đang ngủ say thì Đinh Nho Tâm đã từ London về mở cửa phòng và lặng lẽ ngồi học. Đêm hôm ấy, 2 giờ sáng, Tâm từ phòng máy tính của trường trở về. Cậu phải “cày” để bù lại một đêm trắng ở London. Dường như danh tiếng của Cambridge cũng là một thứ áp lực khiến cho các sinh viên Việt Nam không thể lơ là việc học. Lơ là có nghĩa là tụt lại phía sau. Tụt lại phía sau nghĩa là mất học bổng, mất cơ hội thực tập ở những công ty, tập đoàn lớn, “mất mặt” với bạn bè. Nhiều nữ sinh tiết kiệm thời gian đến mức mặc dù phòng ở có bếp nhưng không tự nấu cơm để dành thời gian học. Thậm chí có vẻ như ở độ tuổi đôi mươi nhưng họ cũng không có thời gian để... yêu hoặc không... dám yêu.
Chẳng biết có phải thế không mà 38 nam thanh nữ tú người Việt Nam ở một thành phố lãng mạn như Cambridge nhưng chưa có đôi nào yêu nhau. Hình ảnh quen thuộc nhất của họ là tay cầm cặp, chân rảo bước nhanh vào giảng đường. Bạn bè “gặp nhau lần nào cũng vội”.
Lương Thế Vinh (phải) đang tranh thủ trao đổi bài với Nguyễn Phước Long trên tàu từ Cambridge lên London
Đêm khuya, tôi nhìn về phía cư xá, chỉ còn lác đác một số phòng còn sáng đèn. Đinh Nho Tâm bảo, phần lớn những phòng sáng đèn là sinh viên châu Á mà trong đó Việt Nam chiếm số đông. Tâm nói: “Học ở trường này chủ yếu tự học dưới sự hướng dẫn của các giáo sư, giáo viên giỏi. Vì thế rất cần tinh thần tự giác. Nhưng ở đây cũng diễn ra cuộc đua khốc liệt giữa sinh viên nhiều nước trên thế giới. Phải luôn cố gắng để vượt lên phía trước, không chỉ vì mình mà còn vì hình ảnh của đất nước nữa”.
Và thực tế sinh viên Việt Nam đã trở thành một “thương hiệu” mạnh ở đại học hàng đầu thế giới này. Hôm ấy, hai nữ sinh Trần Thị Mỹ Linh và Tô Quỳnh Trang đành “hy sinh” chuyến du hý dự đêm nhạc ở London để ở nhà học. Hai nữ sinh này từng dẫn đầu ở trường phổ thông Bellerby College của tập đoàn giáo dục Study Group và được nhận thẳng vào Cambridege. Ở Cambridge, Linh đứng trong tốp đầu khoa Kinh tế, còn Trang cũng là số một ở khoa Hóa. Lương Thế Vinh, Nguyễn Phước Long cũng khiến bạn bè quốc tế nể phục vì kết quả học tập. Ở khoa Toán của trường Trinity College, Đinh Nho Tâm chỉ đứng sau Lê Hùng Việt Bảo, một “quái nhân khét tiếng” học giỏi. Kết quả thi Toán của Bảo bao giờ cũng đạt điểm tuyệt đối. Bảo luôn đứng đầu ở khoa Toán danh giá nhất Cambridge.
Nguyễn Kiều Liên, từng nhận học bổng của Bill Gates và được gặp nữ hoàng Anh khi bà đến thăm Cambridge vì thành tích học tập quá xuất sắc. Kiều Liên nhận bằng tiến sĩ ở tuổi 25 và trở thành nữ tiến sĩ trẻ nhất Việt Nam. Nhưng ở Cambridge, ngay cả các sinh viên Việt Nam cũng ít gặp được Lê Hùng Việt Bảo và Nguyễn Kiều Liên. Đơn giản: họ lúc nào cũng đang cắm đầu vào một góc thư viện và tắt điện thoại di động. Tôi “lùng” Lê Hùng Việt Bảo cả ngày hôm ấy nhưng bất thành.
Đêm thứ 3 ở Cambridge, 2 giờ sáng, khi tôi thức giấc vẫn thấy Đinh Nho Tâm đang cặm cụi học và ngoài của sổ nhiều căn phòng của sinh viên Việt Nam vẫn sáng đèn.
Theo Thể Thao & Văn Hóa